Nghệ thuật tạo hình Tượng Phật Ngọc

Việc cưa xẻ đục chạm khối ngọc lớn là việc làm kỳ công phức tạp do độ cứng của ngọc thạch nephrite ngang với thép và vì quá đắt tiền nên không thể để một chút sơ sẩy nào làm hỏng khối ngọc. Các tay thợ người Thái Lan đã làm việc rất bền bỉ, kiên nhẫn sử dụng các loại thiết bị và lưỡi cưa kim cương suốt nhiều tháng mới có thể làm ra một bức phác thảo tượng.

Mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc phải thể hiện được sức diệu dụng và thần sắc của Đức Phật (phần lộ ra bên ngoài) đúng với mô tả về 32 tướng tuyệt hảo trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Qua nhiều ngày tháng, pho tượng ngọc Phật Thích-ca Mâu-ni đã hoàn tất. Pho tượng Đức Phật bằng ngọc ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế padmasana nghĩa là Liên hoa tọa, thần thái đầy từ bi. Riêng hai bàn tay tượng được tạo hình mỹ thuật với tay phải (thòng xuống chấm đất), các ngón tay sít sao úp vào phía trong gần đầu gối bên phải. Bàn tay trái (ngửa ra với các ngón hơi cong lên) đặt giữa hai đùi. Thủ ấn này gọi là Xúc địa ấn (sa. bhūmisparśa-mudrā) - theo nghĩa đen là "thủ ấn chạm mặt đất" (tiếng Sanskrit: Bhumisparsa Mudra).

Theo truyền thuyết, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo thì thiên ma kéo đến quấy nhiễu. Phật đã dùng Xúc địa ấn để ấn lên mặt đất khiến vị Địa thần dưới lòng đất vọt lên. Ác ma và quỷ thần trông thấy liền sợ hãi tan biến. Bởi vậy Xúc địa ấn còn có nghĩa là ấn hàng ma phục quỷ. Ấn này biểu thị công năng khuất phục, làm cho các thế lực độc ác ma quái phải quy hàng.

Ngoài ra, cùng với tượng là 2 vòng hào quang đường kính khoảng 1m được thiết kế mỹ thuật. Một vòng màu xanh bằng ngọc thạch nephrite, vòng còn lại cũng là nephrite mạ màu vàng bên ngoài, và tùy nơi mà thay đổi hào quang cho Phật Ngọc.

Một tạo hình mĩ thuật quan trọng khác cũng được tạo rời gọi là phần thể hiện tướng nhục kế. Tướng này lộ ra phần thịt (nhục) nổi cao lên như búi tóc (kế), được kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa mô tả "cao và rộng như vòm trời", còn theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì: "Nhục kế trên đỉnh đầu của Phật đẹp như hoa, trên đỉnh ấy có một bình báu chứa các loại ánh sáng màu xanh trắng đỏ vàng mềm mại, nhu nhuyến và có diệu dụng thấm đến trái tim của mọi sinh linh, kể cả cỏ cây và đất đá vô tình". Để tạo hình nhục kế, các nghệ nhân đã lấy một khối ngọc nhỏ, cẩn trọng điêu khắc tinh tế để thành một búi tóc riêng ngoài tượng. Nhục kế này được trân trọng đặt lên đỉnh đầu tượng Phật Ngọc trước giờ chiêm bái.[2]

Liên quan